Cuộc đua bất động sản khoáng nóng của các ông lớn

Trào lưu bất động sản khoáng nóng được nhiều chủ đầu tư phát triển và hâm nóng thị trường trong vòng hai năm qua.

Từ đầu năm đến nay, Tập đoàn Ecopark, chủ đầu tư dự án lớn ở Hưng Yên gây xôn xao khắp mặt báo trong nước và quốc tế bởi khu phức hợp khoáng nóng cao tầng với những căn hộ theo đuổi định hướng bất động sản chăm sóc sức khoẻ và trị liệu.

Sau khi ra mắt một số sản phẩm nằm trong tổ hợp suối khoáng nóng cách đây vài tháng, giữa tháng 9, chủ đầu tư này tiếp tục giới thiệu toà mới, mà ở đó, chủ đầu tư sẽ đưa khoáng nóng lên từng căn hộ có 3 phòng ngủ. Ngoài ra, những căn 2 và 3 phòng ngủ sẽ được trang bị phòng xông hơi hồng ngoại. Dưới chân các tòa tháp là tổ hợp khoáng nóng rộng hàng nghìn m2. Chủ đầu tư cho biết, nguồn khoáng nóng này là nhân tạo.

Hàng loạt dự án khác ở vùng ven Hà Nội cũng đang trong cuộc đua quảng bá những dự án nghỉ dưỡng khoáng nóng. Tại Thanh Thuỷ (Phú Thọ) nơi có nguồn khoáng nóng tự nhiên, một chủ đầu tư khác cũng đang đầu tư dự án căn hộ, biệt thự, liền kề với tiện ích công viên khoáng nóng. Tại đó có các khu tắm onsen chung và tắm onsen theo chủ đề, tắm thảo dược trị liệu…

Lynn Times Thanh Thủy by Wyndham
Lynn Times Thanh Thủy by Wyndham – Second Home chăm sóc sức khỏe

Tại Kim Bôi (Hoà Bình), gần đây, Apec Group cũng cho ra mắt căn hộ khách sạn với các tiện ích như khu tắm onsen kiểu Nhật kết hợp với xông hơi bằng nguồn khoáng nóng tự nhiên cận kề.

Ở Thanh Hoá, UBND tỉnh vừa thống nhất đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng Khu đô thị nghỉ dưỡng khoáng nóng tại xã Quảng Yên, huyện Quảng Xương. Theo nguồn tin của Vhome, một chủ đầu tư lớn đang tiếp cận dự án này.

Tuy nhiên, không phải đến năm nay xu hướng đầu tư bất động sản khoáng nóng mới xuất hiện. Ở phía Nam, trước đó, từ tháng 6/2020, chủ đầu tư dự án Mirena Hot Springs Binh Chau cũng đã đưa vào vận hành khu nghỉ dưỡng trị liệu được xây dựng trên nguồn khoáng nóng tự nhiên tại Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Hay hơn một năm trước, Tập đoàn Sun Group cũng triển khai khu nghỉ dưỡng tại Cẩm Phả, Quảng Ninh, dẫn nguồn khoáng tới tận từng căn biệt thự, kèm những dịch vụ từ tắm tráng, ngâm khoáng nóng cho đến xông nóng – lạnh…. Đặc biệt, các căn biệt thự đơn lập còn được trang bị phòng massage và nguồn tắm khoáng ngay tại phòng ngủ master.

Trong vòng 2 tháng qua, có 4 dự án khoáng nóng nằm trong số 30 dự án được quan tâm nhiều nhất trên Vhome.

Đánh giá về xu hướng này, ông Trần Khánh Quang, Tổng giám đốc Công ty Bất động sản Việt An Hoà cho rằng, bất động sản sức khoẻ nói chung và khoáng nóng nói riêng là một trào lưu đang rất thịnh hành và mở ra cơ hội tốt cho các chủ đầu tư cũng như nhà đầu tư thứ cấp. Tuy nhiên, ông cũng lưu ý, vì là mô hình bất động sản còn mới nên các đối tượng tham gia thị trường cũng nên tìm hiểu và những nhận thức đầy đủ về đặc thù sản phẩm.

Theo ông Quang, những dự án bất động sản khoáng nóng hay bất động sản sức khoẻ đều khá thách thức về kỹ thuật triển khai. Bên cạnh đó, các dự án này không chỉ mang đến những giá trị về sức khoẻ, mà còn cả những giá trị tâm lý và văn hoá. Do đó, mỗi dự án cần tạo ra một nét riêng, tương đồng với Nhật, Hàn – nơi thói quen tắm khoáng trở thành văn hoá.

“Ở quốc gia này, việc tắm khoáng tạo thành quần thể rất rộng, du khách đến tắm, vừa tận hưởng đầy đủ các dịch vụ. Để tạo nên những quần thể và hình thành văn hoá như vậy ở Việt Nam là khá thách thức”, ông Quang nói.

Hiện nay, ở thị trường Việt Nam có 2 dạng phát triển bất động sản khoáng nóng. Một là chủ đầu tư tận dụng nguồn nước khoáng tự nhiên sẽ có chi phí đầu tư và vận hành thấp hơn. Hai là nguồn khoáng nóng nhân tạo. Đây là dòng sản phẩm hướng tới nhóm khách hàng trung và cao cấp. Do đó, chi phí vận hành, phát triển dịch vụ theo ông Quang phải được đầu tư tới tầm mới thu hút được khách.

Dưới góc độ một nhà đầu tư mua sản phẩm bất động sản khoáng nóng, theo ông Quang cần lưu tâm các vấn đề chủ đầu tư có xây dựng được văn hoá tắm khoáng ở dự án hay không, chất lượng đơn vị vận hành. Đặc biệt, người mua cần tìm hiểu dự án được quyền khai thác nguồn khoáng tự nhiên trong thời gian bao lâu bởi hạng mục này phải tuân thủ giấy phép của cơ quan quản lý. Còn đối với những dự án phát triển khoáng nóng nhân tạo thì theo ông, người mua cần quan tâm nguồn đó có liên tục hay không, giá cung cấp có ổn định không?

Ông David Jackson – Tổng giám đốc Colliers Việt Nam cho rằng, thách thức lớn nhất của những dự án có tiện ích khoáng nóng nói riêng và bất động sản sức khoẻ sức khoẻ nói chung là vốn đầu tư khi mà chủ đầu tư cần phải chi tiền đầu tư và vận hành cho nhiều hạng mục tích hợp đắt đỏ như các khu thư giãn và dịch vụ sức khỏe chuyên biệt.

“Không thể có một mẫu số chung cho các dự án vì nhu cầu của khách hàng cũng rất đa dạng. Do hướng đến khách hàng trung lưu, thượng lưu nên để tạo được trải nghiệm hài lòng cho các khách hàng ‘khó tính’ này cũng là một thách thức đáng kể. Và do là mô hình còn khá mới mẻ nên chủ đầu tư cũng cần phải tìm được đối tác nhiều kinh nghiệm thì mới có thể thành công”, chuyên gia này cho biết.

Theo dữ liệu của Vhome, trước đây, một số chủ đầu tư mới cũng từng khởi động dự án Tuấn Minh Paradise Resort tại huyện Lương Sơn, Hoà bình, trong đó có tiện ích suối khoáng nóng onsen và dự kiến đưa vào vận hành trong năm 2021 nhưng đến nay vẫn chưa hoàn thành.

Xem thêm dự án nghỉ dưỡng khoáng nóng Wyndham Thanh Thủy

Bên cạnh đó, theo ông David Jackson, việc vận hành các tiện ích sức khoẻ thường có chi phí khá cao. Do đó, các chủ đầu tư nên minh bạch các thông tin sẽ giúp họ có được niềm tin từ nhà đầu tư, đồng thời hạn chế các rắc rối phát sinh, bao gồm cả rắc rối pháp lý về sau. Ngoài ra, theo Tổng giám đốc Colliers Việt Nam, các thông tin quan trọng như lộ trình phát triển dự án, chi phí liên quan… cần được cung cấp rõ ràng, cập nhật, đặc biệt, quyền và nghĩa vụ của các bên cần được quy định cụ thể ngay từ đầu.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *